Thành phố Thái Bình: Hướng đến đô thị thông minh ( 14/10/2020 )

Hiện nay, thành phố Thái Bình đang nỗ lực triển khai xây dựng đô thị thông minh (ĐTTM), lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ trong thời kỳ công nghệ 4.0.


Phố Lê Lợi sạch đẹp.

Những năm gần đây, thành phố Thái Bình có tốc độ đô thị hóa nhanh. Do đó, cách thức xây dựng và quản lý đô thị theo cách truyền thống đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đòi hỏi các cấp chính quyền phải tìm kiếm những chiến lược, giải pháp đổi mới, sáng tạo phù hợp điều kiện thực tế và xu hướng phát triển trong tương lai. Vì vậy, thành phố đang tập trung nghiên cứu, lập kế hoạch xây dựng ĐTTM. 

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Anh Tuấn cho biết: UBND thành phố xác định việc triển khai sẽ được thực hiện thí điểm trên một số lĩnh vực trọng tâm, định hướng theo mô hình thành phố thông minh. Trong đó ưu tiên thực hiện trên các lĩnh vực quy hoạch xây dựng - giao thông - đô thị và xử lý các vấn đề trong phát triển đô thị như ngầm hóa, giao thông, môi trường, xử lý nước thải, rác thải. Đồng thời, phối hợp triển khai xây dựng chính quyền điện tử, đẩy mạnh công tác cải cách hành chính gắn với ứng dụng công nghệ thông tin; triển khai lắp đặt hệ thống camera trên các trục chính giao thông, bảo đảm giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội, giảm thiểu tai nạn giao thông; tổ chức trồng cây xanh tạo cảnh quan môi trường xanh, sạch, đẹp... góp phần tạo tiền đề cho việc xây dựng thành công thành phố thông minh trong tương lai.

 

Đường phố rực rỡ sắc hoa.

Trên lộ trình xây dựng ĐTTM, thành phố Thái Bình đang tập trung đầu tư xây dựng hệ thống giao thông đồng bộ, kết nối với việc thực hiện các dự án chỉnh trang làm đẹp đô thị như khớp nối các tuyến đường, hạ tầng khu dân cư, hệ thống cấp thoát nước, vỉa hè, cây xanh, điện chiếu sáng từng bước được đầu tư. Thành phố đã hoàn thành quy hoạch xây dựng thành phố đến năm 2035, tầm nhìn đến năm 2050. 5 năm qua, đã tổ chức lập, thỏa thuận hoàn thành 10 đồ án quy hoạch phân khu, 88 đồ án quy hoạch chi tiết để thực hiện các dự án xây dựng khu đô thị, khu dân cư mới, các khu tái định cư phục vụ chỉnh trang đô thị và tạo quỹ đất đấu giá như các khu đô thị Hoàng Diệu, Kiến Giang, Hoàng Văn Thái, khu đô thị mới Vũ Phúc, Vũ Đông đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của cư dân. Bên cạnh đó, các tuyến đường giao thông trọng điểm nối đồng bộ với các trục đầu mối giao thông trong tỉnh như đường Lê Quý Đôn, Võ Nguyên Giáp, Trần Phú, Kỳ Đồng được nâng cấp, mở rộng, kịp thời đáp ứng sự gia tăng của mật độ giao thông đô thị; bảo đảm giao thông thông suốt, an toàn, tạo tính kết nối không gian đô thị, góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Nếu như trước đây thành phố Thái Bình về phía Tây Bắc chỉ dừng lại ở đường Trần Thái Tông thì nay đô thị đã mở rộng, kết nối với trục chính đường tránh S1 thuộc địa phận xã Phú Xuân, xã Tân Bình, tạo ra không gian sống hiện đại, đồng bộ với những khu phố thương mại, những khu dân cư hiện đại. Để có được điều đó, thành phố đã thu hút nguồn lực từ doanh nghiệp đầu tư xây dựng đại lộ Kỳ Đồng kéo dài đoạn từ đường Trần Thủ Độ đến đường tránh S1 với chiều dài trên 1,6km, bề rộng 45m, lòng đường mỗi bên rộng 10,5m, dải phân cách giữa rộng 8m, vỉa hè rộng 8m. Đại lộ Kỳ Đồng kéo dài đã kết nối trung tâm thành phố với cực phát triển phía Tây Bắc, với khu đô thị Dragon hiện đại, đồng bộ, xứng tầm với sự phát triển mạnh mẽ của thành phố, sánh vai với sự phát triển của các tỉnh, thành phố trong khu vực. Qua đó, thúc đẩy thông thương, giao lưu đối ngoại với các tỉnh lân cận, phát huy hết tiềm năng phát triển của trung tâm thành phố, làm thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội của thành phố Thái Bình.

 

Thành phố Thái Bình.

Bản chất của thành phố thông minh là việc thu thập, kết nối và tận dụng thông tin dữ liệu để giúp kết nối người dân, doanh nghiệp và chính quyền. Thành phố thông minh sẽ cho phép sự chia sẻ đầy đủ về thông tin dữ liệu giữa các ngành, giữa người dân, doanh nghiệp, chính quyền, đáp ứng và hỗ trợ các nhu cầu hiện nay của thành phố. Có thể thấy, hiện nay hạ tầng công nghệ thông tin của thành phố Thái Bình bước đầu đạt nhiều kết quả khả quan. Hệ thống quản lý văn bản và điều hành, kết hợp chức năng ký số trên văn bản điện tử hay hệ thống giải quyết các thủ tục hành chính theo phương án “5 tại chỗ” tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thành phố được triển khai đồng bộ; cung cấp dịch vụ công trực tuyến, hệ thống thư điện tử và nhiều ứng dụng chuyên ngành, qua đó phục vụ tốt công tác chỉ đạo, điều hành của các cơ quan quản lý nhà nước, tạo thuận lợi, giảm bớt thời gian, thủ tục cho người dân, doanh nghiệp, góp phần cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh của thành phố.

Để sớm xây dựng thành phố Thái Bình trở thành ĐTTM, trong thời gian tới, thành phố tập trung các giải pháp huy động và khai thác tốt các nguồn lực; đề xuất, kiến nghị với tỉnh cơ chế đặc thù để đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội và thực hiện chỉnh trang đô thị. Thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiệm vụ xây dựng, nâng cấp đô thị gắn với nâng cao trình độ quản lý đô thị, đi đầu trong ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng mô hình chính quyền đô thị, xây dựng nếp sống văn hóa văn minh đô thị.

Nguồn: Thaibinh.gov.vn

1
2
3
4
5
Lượt truy cập:
3430892