Đà Nẵng – Tìm giải pháp phát triển đô thị thích ứng với ngập lụt ( 07/04/2014 )

Ngày 18 tháng 3 năm 2014, UBND thành phố Đà Nẵng cùng Viện Chuyển đổi môi trường và Xã hội Hoa kỳ (ISET) tổ chức Hội thảo “Giải pháp quy hoạch phát triển đô thị thích ứng với ngập lụt thành phố Đà Nẵng.


Chủ đề Hội thảo nhằm thảo luận các giải pháp quy hoạch phát triển Đà Nẵng ứng phó với vấn đề ngập lụt, chia sẻ bài học kinh nghiệm về áp dụng kết quả mô hình thủy văn và mô phỏng sự phát triển đô thị (HUDSIM) trong quy hoạch phát triển đô thị của thành phố, giới thiệu các nội dung cơ bản của Đề án “Phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2020”.

Hội thảo đã thu hút sự quan tâm của các đơn vị chuyên ngành về quản lý đô thị: Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng, VIAP, Viện nghiên cứu chiến lược và chính sách khoa học và công nghệ,…

Về phía thành phố, có sự tham gia của các đại biểu của các sở, ngành Xây dựng, Nông thôn, Quy hoạch đô thị, Tài nguyên và Môi trường, Thoát nước và xử lý nước thải, Công thương, Kế hoạch đầu tư, Văn hóa, thể thao và du lịch, các trường đại học Bách khoa, Duy tân, Kiến trúc Đà Nẵng…

Với kết quả nghiên cứu của Dự án HUDSIM do Sở Xây dựng triển khai thực hiện từ năm 2011 đến 2013, Ts. Trần Văn Giải phóng – Chuyên gia kỹ thuật của ISET Việt Nam đã nhấn mạnh các tác động chính liên quan đến quy hoạch đô thị thành phố như: nước lũ dâng cao, hình thái lũ thay đổi ở những xã thấp trũng gần kề với khu vực san nền sẽ tác động đến sinh kế, nhà ở, tài sản và cơ sở hạ tầng; các phương án ứng phó lũ lụt truyền thống có thể không phù hợp do hình thái lũ thay đổi. Do đó, công tác dự báo lũ sẽ gặp thách thức, các khu đô thị mới bị ngập trong nước sâu từ 1-1,5 m sẽ bị thiệt hại về nhà cửa, làm giảm giá trị, giá cả đất đai và sức hút với các nhà đầu tư. Những khu vực ngập hơn 2 m sẽ bị thiệt hại nặng nề vì ngập sâu kéo dài. Nếu vấn đề rủi ro ngập lụt không được giải quyết, người dân ở vùng thấp lụt và các nhà đầu tư bất động sản sẽ chịu sự gia tăng về thiệt hại và chi phí khắc phục hậu quả do ngập lụt gây ra.

Tham dự Hội thảo, TS.KTS Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng, Cục phát triển đô thị, Bộ Xây dựng nhấn mạnh, các vùng ưu tiên đô thị hóa, phát triển KKT, KCN, du lịch đều là các vùng có nguy cơ rủi ro cao từ biến đổi khí hậu, nhưng hầu như trong các quy hoạch phát triển đô thị của các vùng này còn thiếu các giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số điểm trong công tác quy hoạch đô thị, các giải pháp cụ thể mà Đà Nẵng cần lưu ý: chọn tần suất thiết kế, khống chế cao độ nền xây dựng tối thiểu; một số khu vực ven sông cho phép ngập lụt nhằm đảm bảo thoát lũ an toàn và giảm khối lượng san nền. Để đảm bảo cho việc thoát nước các khu vực nội thành đặc biệt các khu vực cũ, tăng cường xây dựng mội số tuyến cống lớn chủ đạo gắn với hệ thống công trình ngầm đô thị.

Bà Trần Thị Lan Anh phát biểu tại Hội thảo

Trên cơ sở thảo luận, chia sẻ thông tin của các chuyên gia và các đơn vị chuyên ngành quản lý đô thị của thành phố, Phó chủ tịch UBND thành phố Phùng Tấn Viết đã đánh giá rất cao các ý kiến góp ý. Việc tác động tương tác của đô thị hóa đã dẫn đến gia tăng ngập lụt trên địa bàn thành phố và quá trình đô thị hóa nhanh đã làm tác động đến việc thoát nước, ngập nước cục bộ. Yếu tố BĐKH với các tình trạng cực đoan, làm thay đổi hình thái lũ, tác động đến sinh kế, tổn thương cho cộng đồng, các nhà đầu tư vào đô thị.

Ông Phùng Tấn Viết phát biểu chỉ đạo tại Hội thảo

Qua đó, Phó chủ tịch UBND thành phố đã đề nghị các Sở, ngành liên quan tiếp thu ý kiến của Hội thảo, từng bước lồng ghép thực hiện trong công tác của ngành, cụ thể:

- Việc xây dựng các kế hoạch, quy hoạch không gian đô thị, KT- XH ngắn hạn, dài hạn đều cần phải tính đến việc dự báo về biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

- Trong quá trình điều chỉnh, rà soát quy hoạch, hướng đến xây dựng chính quyền đô thị, cần tính đến kế hoạch đầu tư cho việc phòng chống ngập lụt, kè sông, kè biển, trồng rừng, và đảm bảo các công trình hạ tầng.

- Tăng cường quy hoạch và xây dựng các vùng đệm, các khu vực công cộng ven sông, ven biển để khai thác hiệu quả, thu hút các nhà đầu tư.

- Tăng cường quản lý các hồ chứa, thủy lợi, thủy điện, đáp ứng các yêu cầu thoát lũ, đảm bảo tưới tiêu, sinh hoạt.

- Xây dựng các kế hoạch cần liên kết với các tỉnh lân cận để tăng cường công tác dự báo về nguồn nước, ngập lụt,…

Một số ý tưởng thiết kế đô thị của Đà Nẵng do ISET đề xuất

Đồng chủ trì Hội thảo, Ông Marcus Moench, Chủ tịch ISET đánh giá rất cao những gì mà thành phố Đà Nẵng trong công tác phát triển đô thị, đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận qua Chương trình 100 thành phố có khả năng chống chịu do Quỹ Rockefeller khởi xướng. Việc được chọn tham gia vào Chương trình đã chứng tỏ điều này. Việc tham gia Chương trình trong thời gian tới sẽ giúp cho thành phố được tiếp cận với các thông tin của các thành phố khác có quy mô tương tự như thành phố nhưng bằng các cách tiếp cận khác nhau trong công tác phát triển đô thị.

 
 Ông Marcus Moench, Chủ tịch ISET-International
 

Kim Hà, Cán bộ kỹ thuật, CCCO Đà Nẵng

Bài viết của CCCO Đà Nẵng

1
2
3
4
5
Lượt truy cập:
3430899